Theo tính toán của chuyên gia thì ở nước ta phải 8 năm nữa mới lại có ngày 30 Tết.
Năm 2024, tháng Chạp sẽ có 30 ngày và ngày 30 Tết sẽ rơi vào ngày 9/2/2024. Tuy nhiên, phải đến năm 2033, tức là 8 năm nữa, chúng ta mới lại có ngày 30 Tết. Còn các năm 2025, 2026, 2027, 2028, 2029, 2030, 2031, 2032 thì tháng Chạp chỉ có 29 ngày mà thôi.
Theo chia sẻ từ chuyên gia Trần Tiến Bình - tác giả cuốn Lịch Việt Nam thế kỷ XX-XXI - thì ngày mùng 1 Âm lịch là ngày mà Trái Đất - Mặt Trăng - Mặt Trời nằm trên một đường thẳng có thứ tự lần lượt như vừa nêu, đồng thời Mặt Trăng quay nửa tối về phía Trái Đất. Ngày này chúng ra còn gọi là ngày Không Trăng hoặc ngày Sóc (dựa trên cách tính điểm Sóc rơi vào bất cứ thời điểm nào trong ngày từ 0 giờ đến 24 giờ thì ngày đó là mùng 1 Âm). Tháng Âm lịch là độ dài khoảng cách giữa 2 ngày Sóc, được làm tròn thành 29 ngày (tháng thiếu) và 30 ngày (tháng đủ). Nguyên nhân là bởi độ dài tháng Âm lịch thay đổi trong khoảng từ 29,27 ngày đến 29,84 ngày; tính ra trung bình là 29,53 ngày.
Chuyên gia cũng nêu ví dụ để hiểu rõ hơn, cụ thể như sau: Năm 1968, Việt Nam bắt đầu dùng lịch tính theo múi giờ thứ 7 thì Việt Nam ăn Tết trước Trung Quốc 1 ngày vì ngày 31/12/1967 tương ứng với ngày mùng 1 tháng Chạp cả ở lịch Việt Nam và lịch Trung Quốc. Tuy nhiên, điểm Sóc kế tiếp ở Việt Nam xảy ra lúc 23 giờ 29 phút giờ ngày 29/1/1968 nên tháng Chạp ở lịch Việt Nam chỉ có 29 ngày (tháng thiếu). Trong khi đó tại Bắc Kinh cùng lúc đã là 0 giờ 29 phút, nghĩa là tháng Chạp của họ sẽ có ngày 30/1 (tháng đủ).
Từ đó mới thấy việc tính toán ngày Âm vô cùng phức tạp. Ông Bình cũng giải thích thêm: "Cho nên không có ý nghĩa gì khi thống kê các tháng Chạp đủ, thiếu ở các năm mà tất cả phụ thuộc vào sự tính toán chính xác ở từng thời điểm cụ thể. Chẳng hạn các năm: 2014, 2015, 2017, 2018, 2019, 2020, 2021 có các tháng Chạp đủ (30 ngày) nhưng đến 2022 có tháng Chạp thiếu (29 ngày) và sang năm 2023 và 2024 lại đủ. Rồi tiếp tục là các tháng Chạp thiếu cho đến năm 2033 mới lại thấy tháng Chạp đủ".